top of page

Ngành chứng khoán Quý 2-2023 như thế nào?

Nhìn vào bức tranh toàn cảnh thị trường của các ngành, thì nhóm chứng khoán là nhóm có mức tăng trưởng ấn tượng nhất trong quý 2-2023, so với cùng kỳ năm 2022 là 372%, so với Q1.2023 là 97.8%. Nếu nhìn vào con số tuyệt đối thì ta sẽ thấy việc tăng trưởng cao như vậy là điều bình thường, với mặt bằng lợi nhuận năm 2022 của ngành thấp cộng với thị trường hồi phục đã giúp lợi nhuận nhóm này hồi phục mạnh.

1/ Lợi nhuận ngành chứng khoán Quý 2-2023

Việc Ngân hàng nhà nước (NHNN) liên tục giảm lãi suất điều hành, các ngân hàng thương mại (NHTM) giảm lãi suất huy động trong quý 2, đã làm cho dòng tiền dịch chuyển từ kênh gửi tiết kiệm quay lại thị trường chứng khoán.

Lợi nhuận sau thuế của ngành chứng khoán - WiGroup

Lợi nhuận hoạt động của ngành chứng khoán đã tăng vượt trội, từ mức tăng trưởng âm trong năm 2022 lên mức 110% trong quý 2 năm 2023.

Đóng góp vào lợi nhuận của ngành chứng khoán đến từ 2 mảng chính là cho vay ký quỹ và tự doanh, còn hoạt động môi giới vẫn duy trì tỷ trọng thấp và đang trong xu hướng giảm khi nhiều CTCK đẩy mức phí này về 0.

Cơ cấu lợi nhuận của ngành chứng khoán - WiChart


Mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng của ngành chứng khoán đến từ tính chu kỳ của ngành này, ngành tài chính luôn là ngành tăng trưởng mạnh khi nền kinh tế tạo đáy và phục hồi. Trong quý 2 năm 2023, nhiều chính sách vĩ mô cũng đã được chính phủ đưa ra để hỗ trợ nền kinh tế và tháo gỡ các vấn đề khó như trái phiếu và bất động sản, bên cạnh đó việc giảm lãi suất điều hành giúp dòng tiền thoát khỏi kênh tiền gửi để quay lại với hoạt động sản xuất kinh doanh và thị trường chứng khoán.

2/ Số dư tiền gửi và tài khoản chứng khoán mở mới

Nhìn thêm số liệu tài khoản mở mới, lượng tiền gửi của nhà đầu tư cá nhân và thanh khoản thị trường, thì nội lực của nhà đầu tư trong nước cũng là động lực giúp cho thị trường chứng khoán và VN-Index tăng tốt trong giai đoạn vừa qua, qua đó giúp lợi nhuận của các công ty chứng khoán thăng hoa.

Số dư tiền gửi của nhà đầu tư tài công ty chứng khoán niêm yết - WiChart

Số dư tiền gửi của nhà đầu tư tại 34/36 CTCK niêm yết tăng 4.150 tỷ đồng, tương ứng tăng 14.89% so với Q1.2023. So với vùng đỉnh Q1.2022 thì lượng tiền gửi của NĐT tại CTCK trong Q2.2023 còn cách mức đỉnh là 35.4% gần 17.580 tỷ đồng. Trong Q2.2023, nhà đầu tư không còn rút tiền khỏi TTCK như giai đoạn 2022, thay vào đó họ đã quay trở lại và hoạt động khá sôi nổi, giúp thanh khoản thị trường tăng trở lại mức 20 nghìn tỷ/phiên.

Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới theo tháng - WiChart

Theo số liệu từ Widata, số lượng tài khoản chứng khoán mở mới tăng mạnh trong quý 2.2023, trong đó tháng 5 và tháng 6 có mức tăng trên 100.000 tài khoản/tháng. Trong quý 2 năm 2023, số lượng tài khoản mở mới là 273.118 tài khoản, tăng 138.972 tài khoản so với Q1.2023. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lượng tài khoản chứng khoán mở mới là 412.090 tài khoản, giảm 77% so với cùng kỳ năm 2022.

3/ Dư nợ vay margin

Dư nợ vay margin của công ty chứng khoán tại quý 2-2023 - WiChart


Theo thống kê của Wigroup, trong quý 2 dư nợ cho vay margin của phần lớn CTCK đều tăng mạnh so với giai đoạn đầu năm. Trong đó, Chứng khoán Mirae Asset hiện đang dẫn đầu về thị trường dư nợ cho vay (margin) với 13.502 tỷ đồng, xếp thứ hai là Chứng khoán SSI với dư nợ vay là 13.104 tỷ đồng và thứ ba là Chứng khoán VPS với 10.220 tỷ đồng.

So với giai đoạn Q1.2023 thì Chứng khoán VPS lại là công ty có mức tăng trưởng dư nợ cho vay tốt nhất với 45%, Chứng khoán SSI là 19.7% và Mirae Asset là 18.7%. Một số CTCK khác cũng có tăng trưởng dư nợ cho vay tích cực là VCBS, MBS, SHS đều trên 35%.

Dư nợ margin - WiChart

Thống kê mới nhất từ 54 công ty chứng khoán trên thị trường cho thấy, tính đến cuối quý 2/2023, dư nợ cho vay ký quỹ toàn ngành đạt gần 127 nghìn tỷ đồng, tăng 12,9% so với cuối quý 1 năm 2023. Mặt bằng chung dư nợ cho vay margin Q2.2023 đang duy trì bằng với Q3.2021, quanh mức trên 120 nghìn tỷ/ quý.

Riêng đối với 34 CTCK niêm yết, dư nợ cho vay ký quỹ tăng tốt hơn toàn ngành, ở mức 16.4% so với quý 1. Nếu nhìn vào con số tỷ lệ cho vay ký quỹ trên vốn chủ sở hữu của các CTCK trên sàn, chúng ta có thể thấy nó duy trì ở mức thấp 61.47%, điều này cho thấy các CTCK còn rất nhiều dư địa để cho vay và phát triển mảng cho vay ký quỹ trong thời gian tới.

Với xu hướng Zero Fee - Phí giao dịch về mức 0%, thì mảng cho vay ký quỹ sẽ là mảng kinh doanh cốt lõi của nhóm chứng khoán trong thời gian tới. Tỷ lệ an toàn vốn của mảng cho vay ký quỹ vẫn còn khá thấp, nên trong vài năm tới, lượng margin trên TTCK có thể đạt mức 200 nghìn tỷ/quý là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Truy cập WiChart để xem thêm đa dạng dải dữ liệu khác về kinh tế, tài chính.

Xem thêm:

Thông tin liên hệ

CÔNG TY CỔ PHẦN WIGROUP

- Địa chỉ: Tầng trệt - tòa nhà Bcons Tower II, 42/1 Ung Văn Khiêm, phường 25, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh

- Hotline: 1900 3109


468 lượt xem

Comments


bottom of page