top of page

Tổng quan tọa đàm 'Thị trường chứng khoán 2023: Xu thế mới, lựa chọn mới' diễn ra sáng 27/09/2022

Trang TTĐTTH VietnamBiz (vietnambiz.vn), Việt Nam Mới (vietnammoi.vn) và CTCP WiGroup phối hợp tổ chức tọa đàm với sự góp mặt của các chuyên gia uy tín về kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán.



Diễn giả tham gia gồm có: TS. Đinh Thế Hiển, Chuyên gia kinh tế; ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup; ông Đào Minh Châu, Phó Giám đốc Phân tích cổ phiếu SSI Research, ông Huỳnh Minh Tuấn, Nhà sáng lập Công ty cổ phần FIDT; cùng sự tham gia của đại diện các quỹ đầu tư, công ty chứng khoán, doanh nghiệp, ngân hàng, cơ quan báo chí - truyền thông, …


Toạ đàm tập trung thảo luận các nhóm vấn đề chính gồm:


- Đánh giá những biến số vĩ mô tác động đến thị trường chứng khoán trong Q4.2022 - 2023


- Triển vọng dòng tiền vào thị trường chứng khoán


- Triển vọng kinh doanh các ngành, một số lĩnh vực dẫn dắt tăng trưởng


- Ý tưởng đầu tư, chiến lược phân lớp tài sản phù hợp cho năm 2023.


PHẦN 1: CÁC THAM LUẬN TẠI TỌA ĐÀM


Ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup: Dự báo kinh tế vĩ mô Q4.2022 - 2023 dựa trên các biến số vĩ mô trước đó.


Theo ông Báu nhận định nền kinh tế vĩ mô năm 2022 của Việt Nam rất tích cực khi tăng trưởng tốt, lạm phát thấp; nhưng dòng tiền lại xấu do ngân hàng trung ương các nước tăng mạnh lãi suất và gây áp lực lên tỷ giá VND, dòng vốn chảy ra nước ngoài. Thị trường chứng khoán biến động chủ yếu theo dòng tiền nên giá cổ phiếu 2022 diễn biến tiêu cực, thị trường bất động sản cũng đi xuống theo.


Về năm 2023, ông Báu cho rằng tình hình vĩ mô sẽ rất xấu khi tăng trưởng GDP chậm lại, xuống thấp hơn mức trước dịch, áp lực lạm phát lớn hơn so với 2022 - có thể lên tới 4,1%, tức là cao hơn mục tiêu 4% của Chính phủ. Tuy nhiên, áp lực hút ròng sẽ không còn mạnh, dòng tiền được kỳ vọng sẽ phục hồi dần.


Ông Báu cho rằng lãi suất năm 2023 sẽ đi ngang, áp lực tỷ giá sẽ không còn nặng nề khi nhiều quốc gia đạt tới đỉnh lạm phát và lãi suất của các nước này lập đỉnh ở 2023.


Ông Đào Minh Châu, Phó Giám đốc phân tích cổ phiếu SSI Research: Triển vọng dòng tiền vào thị trường chứng khoán, triển vọng kinh doanh các ngành và một số lĩnh vực dẫn dắt tăng trưởng.


Trong thời gian tới Q4.2022 và 2023, ông Châu đánh giá động lực tăng trưởng đến từ chính sách tài khóa, với gói kích thích kinh tế có thể được giải ngân nhiều hơn vào quý cuối năm nay và trong năm 2023.



Chia sẻ về các yếu tố rủi ro, ông Châu cho biết áp lực kinh tế thế giới càng tăng với rủi ro suy thoái sẽ ảnh hưởng tới kênh xuất khẩu của Việt Nam. CPI Việt Nam có độ trễ so với thế giới và có thể tăng mạnh vào cuối năm khi chính phủ điều chỉnh các mặt hàng như giá điện, giá y tế và kỳ vọng tiếp tục cao trong năm 2023.


Nhận định về thị trường chứng khoán trong thời gian tới, ông Châu dự phóng lợi nhuận nhóm công ty niêm yết đạt mức khả quan, khoảng 16,7% và mức tăng trưởng lợi nhuận này sẽ có thể giảm trong 2023 xuống còn khoảng 13,3%. Các nhóm ngành cổ phiếu có tiềm năng gồm: ngành mang tính phòng thủ, ít phụ thuộc chu kỳ kinh tế (bán lẻ, tiêu dùng, y tế, công nghệ thông tin); cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công và FDI; cổ phiếu hưởng hưởng lợi từ giá đầu vào giảm (cao su, săm lốp, hoá chất,…); cổ phiếu có câu chuyện kinh doanh riêng như IPO, thoái vốn công ty con hoặc KQKD phục hồi từ đáy; các cổ phiếu có vị thế tiền mặt lớn hưởng lợi từ môi trường lãi suất.


Ông Huỳnh Minh Tuấn, Nhà sáng lập Công ty cổ phần FIDT: Ý tưởng đầu tư, chiến lược phân lớp tài sản năm 2023.


Tình hình kinh tế hiện nay không có mấy điểm sáng, đối diện nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, nhìn chung vẫn là bức tranh xám màu. Tuy nhiên, với cương vị là người đầu tư và quản lý tài sản cũng như phân bổ tài sản cho khách hàng, ông Tuấn đặc biệt ưa thích thích giai đoạn này. Đây là giai đoạn được lựa chọn hàng tốt, giá hợp lý, lợi thế thuộc về người mua. Song việc đầu tư tùy vào khẩu vị rủi ro của mỗi người, nhiều khách hàng của ông Tuấn tầm tuổi về hưu sẽ ưu tiên lựa chọn tiền gửi tiết kiệm cho giai đoạn này để đảm bảo an toàn hơn. Nhưng nhiều nhà đầu tư có thể đổi đời nếu tìm đúng “long mạch” trong giai đoạn này.



Vĩ mô xấu nhưng Việt Nam điều hành 'khéo', ông Tuấn chia sẻ nhà đầu tư nên tập trung hai nhóm cổ phiếu gồm: nhóm ngành phòng thủ như tiện ích điện nước (PC1, REE, BWE,...), bán lẻ (MWG, FRT), y tế, lương thực, thực phẩm; thu hút FDI như bất động sản khu công nghiệp (NTC, PHR, KBC…), xây dựng hạ tầng (HHV, VCG, C4G,...). Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là các nhà đầu tư phải làm sao chớp lấy cơ hội đầu tư, phân bổ tài sản hợp lý để có thể giúp chúng ta đi qua cơn suy thoái một cách dễ dàng.


PHẦN 2: THẢO LUẬN


TS. Đinh Thế Hiển, Chuyên gia kinh tế, điều phối thảo luận: Ông Báu đánh giá như thế nào về kết quả khảo sát của Ban Tổ chức cho thấy 75,8% nhà đầu tư lo ngại về tác động yếu tố biến động của vĩ mô toàn cầu đến thị trường chứng khoán Việt Nam?



Ông Trần Ngọc Báu: Dựa trên quan sát vài chục nghìn người dùng, 3-4 tháng gần đây, tôi thấy nhu cầu tìm hiểu dải dữ liệu vĩ mô vượt trội nhiều, cho thấy nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn đến biến số vĩ mô. Điều này là bình thường trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, nếu vĩ mô ổn định thì câu chuyện lại khác. Ở phương diện một người nghiên cứu sâu về vĩ mô, tôi cho rằng giai đoạn này bắt buộc phải quan tâm đến vĩ mô.


TS. Đinh Thế Hiển: Nhà đầu tư kỳ vọng nhiều vào đầu tư công và kích thích kinh tế hơn là lợi nhuận doanh nghiệp, ông Đào Minh Châu nhận định ra sao về điều này?



Ông Đào Minh Châu: Kinh tế Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế ổn định và có khả năng chống chịu tốt trước xu hướng suy thoái toàn cầu. Ngành hàng sản xuất, tiêu dùng của Việt Nam tăng trưởng tốt, đạt mức 20% so với cùng kỳ. Sức khỏe của ngân sách nhà nước (NSNN) cũng đang rất tốt, thu ngân sách tăng 20% trong 8 tháng 2022, thặng dư thương mại cũng cao.

So với nước khác trong khu vực, Việt Nam có lợi thế liên quan đến chi phí nhân công, chi phí năng lượng,… Thời gian tới, tôi đánh giá những động lực liên quan xuất khẩu sẽ chững lại. Có thể thấy mặt hàng xuất khẩu lớn như thép, dệt may, gỗ có xu hướng chững lại trong thời gian qua.


TS. Đinh Thế Hiển: Tại sao các chuyên gia, các diễn đàn hô hào kinh tế tế tốt, nhiều cổ phiếu rẻ nhưng thị trường chứng khoán vẫn lình xình?



Ông Huỳnh Minh Tuấn: Đối với NĐT chứng khoán, đầu tư phải phụ thuộc vào kỳ vọng. Thị trường luôn biến động trước nền kinh tế.


Thị trường chứng khoán tăng trưởng đã phản ánh từ cuối 2021, nhìn vào hai quý đầu năm sụt giảm cả tăng trưởng và xuất khẩu và có thể thấy TTCK phản ánh trước ít nhất nửa năm.


Chi phí lãi vay đang tăng dẫn tới dòng tiền bị rút ra. Chứng khoán là dòng tiền, tiền ít thì cổ phiếu không thể lên được. Xét trong ngắn hạn, thị trường biến động theo cung cầu, về dài hạn thị trường mới phản ánh nền tảng của doanh nghiệp. Do vậy nhà đầu tư không nên ngạc nhiên.


TS. Đinh Thế Hiển: Từ quý IV/2022 tới 2023, ngành bán lẻ, xây dựng, ngân hàng có hấp dẫn không? Nếu không phải ba ngành này thì các chuyên gia có thể gợi ý các ngành nào?


Ông Đào Minh Châu: Với nhóm bán lẻ, theo dự báo của SSI Research lợi nhuận của nhóm bán lẻ như PNJ, MWG vẫn có thể đạt tăng trưởng lợi nhuận hai chữ số năm sau.


Khi đầu tư nên quan tâm tới định giá, hiện tại P/E của cổ phiếu nhóm này vẫn cao khoảng 15 lần so với P/E của VN-Index là 12 lần. Vì vậy, nhà đầu tư có thể chờ nhóm này về mức định giá hấp dẫn hơn. Về ngành xây dựng, NĐT lưu ý ngành này ngoài hưởng lợi về đầu tư công cũng phụ thuộc rất nhiều vào ngành BĐS.


BĐS thời gian tới sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như lãi suất tăng khiến thanh khoản sụt giảm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp khó khăn đi kèm với lượng trái phiếu đáo hạn lớn trong hai năm tới. Do đó, nhà đầu tư cần phải lựa chọn doanh nghiệp xây dựng nào ít liên quan tới thị trường BĐS hơn, tập trung vào đầu tư công.


Ông Huỳnh Minh Tuấn: Về nhóm bán lẻ, NĐT hay đầu tư theo trend, nhóm này biên lợi nhuận gộp rất thấp, nên lựa ra những doanh nghiệp có chất xúc tác riêng (ví dụ mở ra ngành có sức hấp dẫn). NĐT cần có chiết khấu rẻ hơn cho nhóm bán lẻ.


Trên thị trường, nhiều doanh nghiệp xây dựng có lợi nhuận thấp. Nếu theo trend, NĐT cần lựa chọn mã an toàn, nợ ít, có năng lực đàm phán dự án lớn. Mảng ngân hàng vẫn duy trì được tăng trưởng lợi nhuận năm sau khoảng 15%.


Nếu đầu tư vào ngân hàng thì tỷ lệ P/B nên quanh 1, lựa ra ngân hàng có NIM tốt, có hệ sinh thái khách hàng, đang chuyển đổi số. Sau hơn nữa thì NĐT cần xem hệ số hoạt động, trích lập dự phòng, độ bao phủ nợ xấu.


Bên cạnh những thảo luận từ các diễn giả, các nhà đầu tư tại toạ đàm cũng sôi nổi đặt ra các câu hỏi nhằm được giải đáp từ các diễn giả về các vấn đề như: NĐT nên làm gì trong thời gian sắp tới, phân bổ cũng như cơ cấu lại danh mục như thế nào, làm sao để tránh ít bị thua lỗ trong thời gian này nhất,...

Nguồn: VietnamBiz


Trân trọng

Đội ngũ WiGroup,

bottom of page